Đối với giáo dục mầm non công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu và tách rời với chương trình giáo dục mầm non. Chính vì vậy để công tác tuyên truyền nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non đạt kết quả cao điều không thể thiếu đó là sự phối hợp giữa gia đình nhà trường, đây là một thực tế, tạo sự thống nhất, hợp tác, thỏa thuận giữa trường mầm non và cha mẹ trẻ về nội dung, phương pháp, cách thức, hình thức tổ chức trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà trường cũng như trong gia đình. Đây cũng là điều kiện thuận lợi nhất để nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học cho các bậc cha mẹ trẻ về cách nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tới các bậc cha mẹ trẻ và cộng đồng xã hội, nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, nhận thức, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ, giao tiếp, ứng xử… Gia đình được ví như một tế bào của xã hội, tế bào đó phát triển như thế nào thì cũng hình thành ở trẻ những nền tảng vững chắc như tế báo đó. Giáo dục mầm non không chỉ đơn thuần là cho trẻ em có đầy đủ về vật chất, mà chủ yếu giúp trẻ em phát triển hài hòa cả về tinh thần và vật chất, để trẻ em trở thành những công dân có ích cho xã hội, cho đất nước.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ chí Minh
“ Vì lợi ích mười năm trông cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Nhận thức rõ được vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác nuôi dạy trẻ, trong những năm qua Trường mầm non An Hồng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn chặt với các hoạt động chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong nhà trường.
Trường tuy vẫn còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhưng cán bộ giáo viên đã tìm tòi mọi biện pháp trong giảng dạy, không dừng lại ở lòng yêu nghề, mến trẻ, còn là sự sáng tạo đổi mới trong công tác chăm sóc, giáo dục
Về công tác giáo dục trẻ: Ở trường hàng ngày các cô tiếp xúc dạy dỗ và sự sáng tạo trong những đồ dùng dạy học tự làm được tận dụng từ những phế thải sinh động hấp dẫn những giờ học, giờ chơi nhẹ nhàng “ Học bằng chơi, chơi mà học ”. Bằng cách học đó đã giúp các bé thoải mái, tự tin hơn, có cảm tình với trường lớp đồng thời tăng khả năng tiếp thu của bé qua đó sẽ nhanh và hiệu quả hơn. Tất cả đã tạo dựng lên một môi trường giáo dục sáng tạo, đổi mới và đậm đà màu sắc. Để tạo dựng được sự tin cậy của các bậc phụ huynh học sinh thì các bé đều được các cô chú trọng rèn kỹ năng sống cho trẻ, khơi dậy ở trẻ sự chia sẻ lòng nhân ái, sự tự tin.... những kỹ năng này được các cô giáo chuyển tải hướng dẫn tới các bé thông qua các hoạt động học trên lớp mọi lúc, mọi nơi hoặc trong những hoạt động tìm hiểu về truyền thống hoặc lấy học sinh làm trung tâm trong mọi hoạt động giáo dục để sau quá trình học trẻ có thể tự lập, có khả năng tự giác. Vì vậy phương pháp dạy học có thể áp dụng ở trường hiện tại đã tạo được sự thoải mái trong hoạt động, phát huy tư duy sáng tạo và tự tin cho trẻ. Để thực hiện được điều đó mỗi giáo viên đều nhận thức sâu sắc rằng mình cần cố gắng nhiều hơn, không ngừng trau dồi học hỏi để nâng cao trình độ kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, tích cực làm đồ dùng, đồ chơi, rèn luyện về tư duy, tư thế, tác phong và phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, và các bậc phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm giáo dục trẻ một cách hoàn thiện hơn.
Về công tác chăm sóc trẻ: Nhà trường đã thực hiện một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ như: Thực hiện cho trẻ ăn đúng theo thực đơn của nhà trường, sử dụng nguồn thực phẩm tươi sạch, an toàn có nguồn gố rõ ràng, ký kết hợp đồng với công ty, thực hiện cho trẻ ăn ngủ đúng giờ quy định, rèn cho trẻ các thói quen vệ sinh văn minh trong ăn uống, hướng dẫn trẻ có thể tự vệ sinh hành ngày. Bên cạnh đó các giáo viên, nhân viên trong trường phải đảm bảo được vệ sinh trong và ngoài lớp, bếp ăn gọn gàng sạch sẽ, đồ dùng ăn của trẻ phải được tráng bằng nước sôi, hàng ngày giặt khăn bằng xà phòng và phơi nắng, một tuần tẩy khăn bằng nước sôi một lần vào cuối tuần. Trong thời gian tập huấn hè toàn bộ giáo viên, nhân viên của trường được tập huấn về giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Ban giám hiệu đã xây dựng được một chế độ dinh dưỡng tốt, an toàn, xây dựng thực đơn theo mùa, phù hợp với thực tế địa phương, xây dựng và tính khẩu phần ăn phù hợp cho trẻ. Thực phẩm cho trẻ ăn hàng ngày có hợp đồng mua bán thực phẩm được đảm bảo về nguồn gốc an toàn, có kiểm định rõ ràng. Nhân viên cấp dưỡng thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thức ăn hàng ngày, có sổ theo dõi. Tăng cường vệ sinh bếp ăn, vệ sinh xung quanh trường lớp, tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường mầm non. Phối hợp với trung tâm y tế tăng cường khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ 2 lần /năm. Cân đo, theo dõi sức khỏe trẻ trên biểu đồ hàng quý. Giáo viên chú trọng động viên những trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng ăn hết xuất, tuyên truyền phụ huynh cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, luyện tập những bài tập nhẹ nhàng giúp cơ thể trẻ hấp thu tốt các dưỡng chất.
Để đạt được kết quả cao hơn nữa trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ. Bản thân mỗi cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường sẽ tiếp tục cố gắng xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và thuận lợi nhất cho sự phát triển của trẻ.