Thực hiện kế hoạch tháng 11 năm học 2023-2024, ngày 22 tháng 11 trường Mầm non An Hồng tổ chức chuyên đề với mô hình “Giáo dục Steam”
Chuyên đề gồm 3 hoạt động: Với dự án “ Làm pháo hoa giấy – MG3C1” , “ Thiết kế chuông gió – MG4B1” và “Tạo bóng từ ánh sáng- MG5A1” Ứng dụng phương pháp giáo dục Steam. Thông qua 3 hoạt động nhằm giúp giáo viên nắm rõ hơn về giáo dục Steam trong các hoạt động, giúp giáo viên nâng cao nhận thức về giáo dục Steam, chuyên môn nghiệm vụ nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục trong thời đại mới - thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Hoạt động ứng dụng phương pháp Steam của các cô giáo Nguyễn Thị Hằng được tập thể cán bộ giáo viên trong trường rất tâm đắc, tiết dạy sáng tạo thu hút trẻ say sưa hoạt động, qua hoạt động trẻ đã được khám phá và tạo ra sản phẩm .Thông qua hoạt động trẻ được phát triển ngôn ngữ, rèn cho trẻ kỹ năng hoạt động, rèn sự quan sát, sự khéo léo của đôi bàn tay của trẻ khi sử dụng kéo, băng dính và tạo pháo hoa giấy.
Hoạt động ứng dụng phương pháp Steam đối với lớp 4 tuổi “Dự án làm chuông gió” Do cô Trần Thị Xuyến thực hiện được xây dựng dựa trên những câu hỏi định hướng, lồng ghép nội dung toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật… qua đó xây dựng các kỹ năng hoạt động theo nhóm, khả năng tư duy, óc sáng tạo, thẩm mỹ, kỹ năng quản lý thời gian và rèn sự khéo léo đôi bàn tay của trẻ để xâu, buộc, luồn, xoắn dây và tạo chuông gió. Những đồ dùng đồ chơi cho trẻ hoạt động là những đồ dùng gần gũi xung quanh trẻ như cành cây, lon nước, bát nhựa, chìa khóa cũ, vỏ sò… rất dễ tìm kiếm. Được trải nghiệm làm trẻ vô cùng thích thú và tích cực tham gia các hoạt động để tạo ra sản phẩm của mình và trẻ được chơi với sản phẩm của mình vừa tạo ra.
Hoạt động ứng dụng phương pháp Steam với đề tài “Tạo bóng từ ánh sáng" của cô giáo Hoàng Thị Thu Hương cũng được tập thể cán bộ giáo viên trong nhà trường rất tâm đắc, tiết dạy sáng tạo thu hút trẻ say xưa hoạt động, qua hoạt động trẻ đã được khám phá đặc điểm của vật và ánh sáng, biết một số đặc điểm của ánh sáng (màu sắc của ánh sáng thay đổi theo thẻ màu; ánh sáng chiếu vào vật tạo ra bóng của vật, ánh sáng chiếu gần chiếu xa thay đổi kích thước của bóng, ánh sáng chiếu vào vật ở trạng thái động tĩnh sẽ cho bóng ở trạng thái động tĩnh ...) Trẻ nhận ra vẻ đẹp của bóng được tạo từ ánh sáng, cảm nhận được vẻ đẹp của ánh sáng đổi màu. Trẻ trình bày được các biểu tượng toán học: kích thước của vật, của bóng; khoảng cách của ánh sáng chiếu vào vật...
Sau khi dự các hoạt động, BGH cùng giáo viên các trường đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp dạy học theo dự án và ứng dụng hoạt động Steam trong hoạt động “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” qua thảo luận và dự 3 hoạt động giáo viên đã hiểu sâu sắc hơn về mô hình dạy học theo dự án và ứng dụng hoạt động Steam trong các hoạt động của trẻ.
Dạy học theo dự án và ứng dụng Steam mang lại hiệu quả rất tốt. Trường học sẽ không chỉ là nơi để giảng dạy lý thuyết mà ở nơi đó những đứa trẻ được trải nghiệm những kiến thức thực tiễn, “trẻ được học bằng chơi chơi bằng trải nghiệm”.